Khi nhắc đến tên những loại siêu gỗ này, các đại gia và những tay buôn gỗ từ sành sỏi đến nghiệp dư ai ai cũng muốn sở hữu một lần trong đời.
Gỗ sưa được mệnh danh là “gỗ đế vương” hiện nay và được săn lùng gắt gao (ảnh: Dân Việt)
Có rất nhiều lời đồn đoán về công dụng thực sự của gỗ sưa. Ví như gỗ sưa trong y học có tác dụng cầm máu, giảm đau, chống huyết áp, bệnh đường ruột; một loại hương liệu được người Trung Quốc xưa dùng để ướp xác giới quý tộc, đồng thời có thể làm khí cụ trừ tà đuổi ma và trấn yểm… Tuy nhiên đến nay, chưa có ai tìm ra được giá trị thực của gỗ sưa đỏ.
Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá hàng chục tỷ đồng nên nhiều người săn tìm nó với mong ước đổi đời. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá hàng vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg.
Vụ việc đấu giá cây sưa hơn 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) cuối năm 2016 được nhiều người quan tâm. Bởi trong vụ đấu giá ấy, dân làng có người đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì người đồng ý bán, người thì không. Cuối cùng, cây sưa vẫn được bán cho là ông Nguyễn Văn Hùy (Bắc Ninh) với giá 26 tỉ đồng.
Trầm hương và Kì nam
Trầm hương và Kỳ nam đều được hình thành từ lõi của cây Dó. Tuy nhiên, không phải cây Dó nào cũng có Trầm hương và Kì nam mà phải là những cây Dó “bệnh”, tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng mà thành. Trầm hương được khai thác từ phần thân, còn Kì nam được khai thác chủ yếu ở bộ phận rễ của cây Dó.
Kì nam thời kì “sốt” có giá bán hàng chục tỉ đồng/kg (ảnh minh họa: Gia đình xã hội)
Trầm hương và Kì nam có mùi thơm hơi hắc, đặc biệt khi đốt sẽ cho mùi thơm tinh dầu trầm không thể lẫn lộn với một loại hương thơm nào khác. Kì nam có mùi thơm hơn và quý hơn nên thường có giá cao gấp 10-20 lần Trầm hương. Có thời, người ta có thể bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua 1kg Kì nam.
Những trang sức chế tác từ Kì nam đeo vài chục năm vẫn còn tỏa hương thơm ngào ngạt. Trong đông y, Kì nam có công dụng chữa trị chứng đi tiểu không cầm được; đau bụng tiêu chảy thể tả; tiêu tan đờm dãi; trị gió, tránh được cảm mạo…
Trầm hương có tác dụng hạ đờm; bổ nguyên dương; bổ thận khí; trợ sức cho công năng vận hóa của tỳ thận. Ngoài ra, còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn; chướng khí nghịch làm khó thở, hen suyễn thở dốc…
Trước sự cuốn hút của Kì nam và Trầm hương, nhiều phu trầm đã không ngần ngại đánh đổi mạng sống, lùng sục vào những cánh rừng Dó ở Kon Tum, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị… để săn tìm với giấc mơ đổi đời.
Một sự việc đau lòng xảy ra khoảng tháng 3/2013, 5 phu trầm bị 3 kẻ bịt mặt dùng súng khống chế đòi tiền chuộc 15 triệu đồng/người khi đi tìm trầm tại địa bàn giáp ranh Quảng Bình, Quảng Trị và biên giới Việt-Lào. Nhưng sau đó, cả 5 người đã bị giết chết.
Nguy cơ tai nạn từ cung đường đèo hiểm trở, những tảng đá núi khổng lồ, chênh vênh; hay những lần bị cướp giật, xin đểu, thậm chí hỗn chiến của các nhóm phu trầm để giành lấy khu vực. Tuy nhiên, tất cả đều bất chấp để đi tìm giấc mơ tỉ phú.
Ngọc nghiến
Ngọc nghiến là phần quý nhất của cây nghiến mà trong hàng ngàn cây mới tìm ra được một ngọc nghiến. Nó được hình thành khi cây nghiến bị một “vết thương” do sét đánh, chặt chém, thú rừng làm sứt mẻ hoặc biến động của môi trường xung quanh… Cây nghiến “phản ứng tự vệ” bằng cách hình thành bìu để chữa lành vết thương, bảo vệ cây.
Theo tính toán, một khối Ngọc nghiến nặng từ 5-10kg phải được tạo ra từ cây nghiến có tuổi từ khoảng 300 năm trở lên.
Ngọc nghiến đặc biệt có giá trị trong chế tác thủ công mỹ nghệ tinh xảo (ảnh minh họa: Tiền Phong)
Ngọc nghiến có vân gỗ cực kỳ lạ mắt, hoa văn biến hóa độc đáo, sóng lớp cuồn cuộn, sờ vào thấy mát lạnh như chạm vào băng đá. Cây càng lâu năm, càng cổ thụ thì ngọc nghiến càng chất lượng, vân gỗ càng lung linh và đắt giá.
Ngọc nghiến thường được sử dụng để đóng bàn ghế, sập, làm các đồ mỹ nghệ, trang trí. Chính vì sự hiếm có và quý của nó lên những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ ngọc nghiến thường có giá rất đắt từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Nếu không phải đại gia thực thụ thì ít người dám sở hữu những bộ bàn ghế, sập đóng từ ngọc nghiến.
Gỗ Trắc
Cây gỗ Trắc sinh trưởng và phát triển tương đối chậm nên sản lượng gỗ không nhiều nên có giá rất đắt. Một khối gỗ Trắc loại tốt và đẹp có thể giá bán vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.
Gỗ Trắc được phân làm 3 loại: gỗ Trắc đỏ, Trắc đen và Trắc xanh, trong đó, Trắc đỏ là quý hiếm và có giá hơn cả.
Gỗ Trắc có thớ mịn, giòn, dễ gia công, mặt cắt mịn sau khi khô không nẻ cũng ít biến dạng, không bị mối mọt, có hoa vân đẹp, rất cứng. Gỗ Trắc nếu được bảo quản trong nhà có thể tồn tại nguyên vẹn hàng trăm năm. Hơn nữa, gỗ Trắc có tinh dầu rất tốt cho sức khỏe.
Cũng chính vì sự đắt đỏ của gỗ Trắc, nhiều người biến thành lâm tặc, đột nhập vào những cánh rừng Trắc ở Kon Tum, Đắk Nắk để xẻ gỗ khiến rừng bị phá tan hoang.
Gỗ Gõ Đỏ
Cây Gõ Đỏ thuộc loại cây gỗ lớn, cao 30 – 40 m, thân thẳng, tròn, vỏ màu xám trắng, sần sùi. Gỗ Gõ Đỏ rất đẹp, lõi màu đỏ nhạt hoặc đỏ đậm nổi rõ các vân đen giống da hổ nên có nơi còn gọi là cây Hổ bì.
Gỗ Gõ Đỏ có lõi màu đỏ nhạt hoặc đỏ đậm rất bền và có khả năng chịu lực tốt (ảnh: Dân Việt)
Gỗ cây Gõ Đỏ rất bền và có khả năng chịu lực tốt. Vân gỗ láng và có những đoạn xoắn rất đẹp. Gỗ cây không bị mối mọt, biến dạng trong điều kiện mưa nắng của thời tiết Việt Nam. Nhất là các u gỗ trên thân có vân xoáy rất đẹp, làm gỗ mỹ nghệ, làm sàn nhà, đóng bàn ghế, giường tủ, đồ chạm trổ cao cấp….
Hiện nay, trên thị trường, giá gỗ Gõ Đỏ dao động 30-70 triệu đồng/m3 gỗ nguyên liệu.
Theo Triệu Quang/Dân Việt